Nghe đến “Just do it”, bạn có nhớ đến Nike?
Hay “Think different” có làm bạn liên tưởng đến Apple?
Và “Dirt is good” (Ngại gì lấm bẩn), phải chăng khiến hình ảnh OMO hiện lên trong bạn?
Đây chính là những thông điệp thương hiệu. Để xây dựng thương hiệu bền lâu và thành công, thông điệp thương hiệu là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Thông điệp này sẽ đi cùng thương hiệu theo năm tháng và là yếu tố chính xây dựng nên hình ảnh hương hiệu trong mắt khách hàng.
Vậy thông điệp thương hiệu (Brand Message) là gì?
-
Là những gì nhãn hàng muốn truyền tới, muốn khách hàng cảm nhận khi nghĩ về nhãn hàng của mình
-
Là lời hứa của thương hiệu với khách hàng
-
Không chỉ là tagline hay slogan, thông điệp này còn được truyền tới khách hàng qua tất cả các loại hình Marketing khác như nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, ấn phẩm thiết kế, sự kiện hay là cả khâu chăm sóc khách hàng
Các yếu tố tạo nên thông điệp thành công
1. USPs (Unique Selling Point):
USPs Là yếu tố khác biệt, tạo nên sự nổi bật của thương hiệu thương hiệu. Chính vì vậy, một thông điệp thương hiệu nên bao gồm USP mà thương hiệu tự hào, muốn gửi gắm tới khách hàng nhất.
Để tìm ra USP của chính thương hiệu mình, bạn có thể dựa vào 3 câu hỏi:
– Sản phẩm, dịch vụ của bạn có điểm gì đặc biệt nhất, làm thương hiệu của bạn khác với đối thủ?
– Vấn đề nào của khách hàng mà bạn có thể giải quyết?
– Tại sao khách hàng nên chọn bạn thay vì đối thủ?
Lưu ý: USPs không nhất thiết là tính năng sản phẩm, là tốt, đẹp, rẻ. USPs nên là điều bạn tự hào nhất về doanh nghiệp mình, ví dụ như chăm sóc khách hàng cực kỳ tốt hay 100% thân thiện với môi trường.
2. Đối tượng khách hàng:
Nếu bạn tạo nên một thông điệp thật hay cho thương hiệu của mình nhưng lại không nhắm đúng đối tượng khách hàng, không phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ thì việc lưu lại dấu ấn trong khách hàng sẽ vô cùng khó khăn.
Để phân tích chi tiết đối tượng khách hàng tiềm năng, bạn có thể tập trung vào:
– Thông tin nhân khẩu học của đối tượng bạn nhắm đến (Tuổi, nơi ở,…)
– Sở thích và nhu cầu của khách hàng
– Nỗi đau của khách hàng cùng những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ
3. Câu chuyện của bạn:
Như đã nói, thông điệp thương hiệu không chỉ là slogan hay tagline, mà nó còn là câu chuyện, là ý nghĩa tồn tại của mỗi thương hiệu. Chính vì vậy, đây là một yếu tố khác không thể thiếu khi bạn muốn xây dựng hình ảnh và thông điệp thương hiệu của mình.
Một câu chuyện thương hiệu được xây dựng tốt, chân thật thường giúp gắn kết cảm xúc của khách hàng với sản phẩm, doanh nghiệp. Ví dụ như hãng Elephant Parade với câu chuyện được thành lập để cứu chú voi mất chân Mosha nói riêng và các chú voi nói chung cũng là một câu chuyện vô cùng thành công, dễ dàng khiến khách hàng cảm thông và gắn kết với thương hiệu.
Để xây dựng nên câu chuyện của riêng mình, bạn có thể tự hỏi:
– Tại sao sản phẩm của bạn tồn tại?
– Tại sao bạn muốn đem sản phẩm này đến với mọi người?
– Điều gì làm bạn tự hào ở thương hiệu của mình?
4. Mục tiêu lớn hơn
Để tạo nên một thông điệp thành công, ngoài việc tập trung vào sản phẩm và doanh nghiệp, hãy thể hiện mục tiêu và ý nghĩa lớn hơn của bạn: Ý nghĩa doanh nghiệp của bạn ngoài việc bán hàng là gì?
Trong thời đại này, khi sự quan tâm của con người dành cho các vấn đề xã hội càng lớn thì doanh nghiệp cũng nên như vậy. Nếu một doanh nghiệp chỉ xoay quanh sản phẩm của chính mình mà không có một mục tiêu, một niềm tin đi cùng với khách hàng thì khó mà trở thành một phần cuộc sống của họ.
5. Brand Guidelines:
Để xây dựng thông điệp của mình một cách thành công thì thông điệp này cũng cần được đồng bộ hóa trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đi cùng với thông điệp thì Brand Guidelines – bản hướng dẫn để gửi gắm thông điệp trong mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng là điều không thể thiếu
Brand Guidelines bao gồm những gì?
– Unique Selling Points của nhãn hàng
– Phân tích chi tiết khách hàng
– Ý nghĩa và mục tiêu thương hiệu
– Thông điệp bạn muốn truyền tải
– Slogan, tagline, câu chuyện của bạn
– Giọng văn, tone giọng mà bạn muốn dùng để truyền đạt thông điệp tới khách hàng
– Những cụm từ, tone giọng không nên dùng cho doanh nghiệp để giữ hình ảnh và thông điệp đồng bộ