Thống kê hiện nay cho thấy tỷ lệ thất bại ở các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chiếm tới 90%. Việc xây dựng và phát triển từ một công ty khởi nghiệp hoặc công ty SME thành một công ty với quy mô lớn hơn là một quá trình chuyển đổi đầy thách thức. Ngay cả những nhà điều hành giàu kinh nghiệm cũng mắc phải sai lầm khi mở rộng quy mô. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận được nguyên nhân và biết cách vượt qua các rào cản này càng nhanh thì khả năng thất bại của doanh nghiệp sẽ càng nhỏ. Để tìm ra được nguyên nhân thật sự khiến doanh nghiệp thất bại và định hướng giải pháp, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với chuyên gia quản trị Thùy Nguyên, Founder của Bess & Company.
Một doanh nghiệp như thế nào được gọi là thất bại?
Trong quan niệm của người Việt, thất bại là một khái niệm khá tiêu cực. Tuy nhiên, nếu bạn tìm được nguyên nhân khiến một công ty thất bại thì bạn sẽ hạn chế được nguy cơ thất bại và có được giải pháp kinh doanh giúp công ty nhanh chóng thành công. Doanh nghiệp thất bại, có 5 cấp độ:
- Cấp độ 1: Không thành lập được doanh nghiệp
- Cấp độ 2: Không có doanh thu
- Cấp độ 3: Chi phí cao, lợi nhuận thấp
- Cấp độ 4: Lợi nhuận không ổn định
- Cấp độ 5: Không mở rộng được quy mô (scale up)
Theo thống kê, 2 – 5 năm là giai đoạn giai đoạn doanh nghiệp mở rộng (scale up) và là giai đoạn khiến doanh nghiệp dễ dàng trở về con số 0 nhiều nhất. Trong đó, 2 nhóm doanh nghiệp dễ gặp thất bại nhất trong giai đoạn này là doanh nghiệp SMEs và doanh nghiệp Startups. Doanh nghiệp Startups là doanh nghiệp thường tập trung vào những mô hình kinh doanh dễ nhân bản và đáp ứng nhu cầu thị trường theo một cách thức mới, chọn tham gia vào các ngành mới bằng ý tưởng kinh doanh mới, độc đáo để người tiêu dùng có được trải nghiệm tốt nhất. Các doanh nghiệp startups có thể không mang lại lợi nhuận trong nhiều năm đầu, các sản phẩm của họ có thể không đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ phải nhanh chóng chiếm đầu thị trường và thực sự mang lại giá trị cho người dùng. Doanh nghiệp SMEs hay còn gọi là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường chọn kinh doanh các ngành truyền thống, ít rủi ro và có sẵn thị trường. Các doanh nghiệp SMEs kinh doanh dựa trên mô hình đã có sẵn, họ có thể có lợi nhuận ở ngay những năm đầu tiên.
Doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh trong ngành nào dễ gặp thất bại nhất?
Chúng ta chưa có thống kê nào về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành nào sẽ gặp thất bại nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta nền phân loại ngành và đánh giá khả năng thất bại theo 2 loại ngành: ngành công và ngành thủ. Đối với ngành công, tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành này sẽ cao hơn so với các ngành khác. Nguyên nhân thất bại nằm ở giai đoạn doanh nghiệp cần thử nghiệm thị trường, tìm kiếm khách hàng và cần phải đầu tư cập nhật những xu hướng công nghệ mới. Đối với ngành thủ, những ngành có thị trường sẵn, có lượng khách hàng sẵn nên tỷ lệ thất bại thấp hơn.
Làm thế nào để một người có thể tăng tỷ lệ thành công khi bắt đầu mở ra doanh nghiệp?
Theo nguyên lý, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ 3 điều kiện để mở 1 doanh nghiệp:
- Đủ kiến thức: chuyên môn, ngành, quản lý (không có tiêu chí như thế nào là đủ sâu vì trong kinh doanh cần tích lũy theo từng thay đổi)
- Đủ mối quan hệ (đối tác): họ sẽ đóng góp cho chúng ta những mảng thực thi mà chúng ta chưa thể có được
- Nguồn vốn: để đầu tư những thứ cần thiết (con người, công nghệ)
Theo từng giai đoạn phát triển, chủ doanh nghiệp cũng cần tập trung vào những mục tiêu khác nhau.
Giai đoạn mở đầu là giai đoạn chuẩn bị và tích lũy nền tảng. Khi khởi nghiệp kinh doanh, bạn có 2 hướng bắt đầu: (1) Mở doanh nghiệp ngay, (2) Chuẩn bị đầy đủ 3 điều kiện. Đối với hướng mở doanh nghiệp ngay từ đầu, bạn cần hiểu rằng mục tiêu trong giai đoạn này là học cách mở doanh nghiệp, mọi chi phí được coi là học phí cho các mối quan hệ, hạng mục đầu tư. Đối với việc làm đúng theo 3 điều kiện (đã được nhắc trong câu hỏi trên), bạn cần tập trung vào việc setup tầm nhìn, bộ máy tổ chức, thị trường và phân khúc.
Giai đoạn launching là giai đoạn doanh nghiệp bắt đầu chuyển gia từ setup sang có thể có doanh thu. Nếu thị trường đón nhận, doanh nghiệp của bạn có thể chuyển sang giai đoạn có doanh thu. Ngược lại, nếu thị trường không đón nhận, doanh nghiệp của bạn cần chuyển lại giai đoạn ban đầu để tìm nguyên nhân và điều chỉnh cho phù hợp.
Trong thực tiễn bối cảnh Việt Nam, đa số chủ doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh khi có một lượng vốn và một chút kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc đặt sai mục tiêu cho từng giai đoạn, đặc biệt quá kỳ vọng vào doanh thu ngay từ giai đoạn đầu, thậm chí là kỳ vọng có lợi nhuận sẽ khiến chủ doanh nghiệp thất vọng, hoang mang và từ bỏ mong muốn kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp có thành công nhưng không hiểu lý do tại sao mình thành công, không phải đến từ nỗ lực của doanh nghiệp, khiến cho bạn chủ quan, hy vọng vào may mắn. Sau đó, khi đã bước sang được giai đoạn có doanh thu, có lợi nhuận, người chủ doanh nghiệp đã có một nền tảng điều hành doanh nghiệp khá vững để ứng dụng trong giai đoạn nhân bản, scale up.
Công thức scale up thành công dành cho một doanh nghiệp?
Theo lý thuyết, để mở rộng quy mô một doanh nghiệp, bạn cần đáp ứng 2 điều kiện:
- Về mặt chủ quan: trong tương lai, doanh nghiệp cần định lượng rõ quy mô phát triển, thị trường sở hữu và đối thủ cạnh tranh chính. Tức là, doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn dài hạn, chiến lược dài hạn, và có kế hoạch cụ thể để đạt được tầm nhìn mong muốn đó.
- Về mặt khách quan: từ kết quả thử nghiệm kinh doanh đã có, doanh nghiệp có được dữ liệu về nhu cầu thực tế của thị trường, dòng doanh thu, chi phí và biên lợi nhuận để có thể dự đoán định hướng phát triển. Và dữ liệu thử nghiệm cũng là vũ khí cho doanh nghiệp thuyết phục các đối tác chiến lược và nhà đầu tư.
Để có thể mở rộng quy mô doanh nghiệp, bạn cần dựa vào 2 nguyên lý căn bản của tăng trưởng: (1) doanh nghiệp của bạn cần có mô hình kinh doanh rõ ràng, (2) doanh nghiệp của bạn cần hoạch định rõ chiến lược mở rộng. Bởi vì, bản chất của mở rộng là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn. Nếu chuyển giao không nhanh, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro như bị đối thủ trực tiếp cạnh tranh, nguồn lực doanh nghiệp không đủ, không cập nhật kịp thời các xu hướng mới và doanh nghiệp có nguy cơ bị đào thải.
Tóm lại, doanh nghiệp đang ở giai đoạn scale up, công việc chính mà bạn cần làm là thuyết phục được các đối tác chiến lược để hỗ trợ dựa trên bản chiến lược, kế hoạch dài hạn và dữ liệu đã thử nghiệm.
Nguyên nhân thất bại của các doanh nghiệp, thậm chí là những công ty thuộc top đầu?
Đối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn
Nguyên nhân khiến cho một doanh nghiệp lớn bị suy thoái hoặc phá sản: (1) Doanh nghiệp chọn cách dừng lại về mặt số lượng, không mở rộng thị trường hoặc không biết cách để mở rộng, (2) Doanh nghiệp không tăng về mặt chất lượng, không duy trì việc đứng đầu ngành, không đầu tư vào công nghệ, sản phẩm, đầu tư mở rộng kênh bán hàng và xây dựng thương hiệu.
Đối với doanh nghiệp SMEs và Startups
Định hướng sai chiến lược: doanh nghiệp định hướng chiến lược không phù hợp. Nhóm nguyên nhân này chiếm đến 75% nguyên nhân thất bại của một doanh nghiệp.
Thiết kế sai bộ máy tổ chức: doanh nghiệp cần thiết kế bộ máy tổ chức phù hợp để doanh nghiệp hoạt động với chi phí thấp và lợi nhuận cao. Nguyên nhân chính gây ra việc thiết kế sai bộ máy tổ chức, bao gồm: thiết kế công việc trong tổ chức chưa hợp lý (thiếu phòng ban hoặc thừa các mắt xích không cần thiết), thiếu bước lập kế hoạch, thiếu kiểm soát (năng lực của đội ngũ nhân sự đang chưa đồng đều, làm việc bị cảm xúc chi phối, định hướng phát triển của mỗi nhân sự khác nhau, chưa thực sự phát triển đội ngũ nhân sự (chưa tạo động lực, đào tạo phát triển, và nâng năng lực từng cá nhân nhân sự trong công ty).
Vậy chủ doanh nghiệp cần làm gì khi thấy doanh nghiệp của mình có nguy cơ phá sản?
Đối với vấn đề sai chiến lược
Bạn cần họp lại với ban quản trị để điều chỉnh chiến lược, có thể chuyển sang phân khúc khách hàng khác hoặc phương án kinh doanh khác. Định hướng chiến lược phù hợp là làm đúng 5 việc: (1) chọn đúng nhu cầu thị trường (nhu cầu trong tương lai gần), (2) chọn đúng đối thủ cạnh tranh, (3) biết lượng sức mình, (4) chọn đúng đối tác chiến lược, và (5) chuẩn bị cho các động vĩ mô.
Đối với vấn đề bộ máy tổ chức không phù hợp
Bạn có thể nhận biết qua 1 số dấu hiệu như nhân sự mất động lực làm việc, rời bỏ công ty hay xảy ra tranh cãi. Trong trường hợp này, bạn cần tái lập lại cơ cấu bộ máy cho phù hợp với mô hình kinh doanh và nguồn lực doanh nghiệp.
Khi thấy doanh nghiệp của mình có nguy cơ phá sản, nhận thấy qua kết quả kinh doanh không được như mong muốn, thậm chí quá tệ, chủ doanh nghiệp cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của kết quả kinh doanh trong giai đoạn phát triển của doanh nghiệp để có thể đưa ra quyết định phù hợp. Trong đó, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, bạn có thể xét đến 2 vấn đề tương ứng với 2 mức độ nghiêm trọng: (1) Sai chiến lược, (2) Bộ máy tổ chức không phù hợp.
Tóm lại, bạn cần đánh giá để đưa ra phương án sửa phù hợp với từng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong thực tế, dưới góc nhìn của người làm kinh doanh, bạn nên chuẩn bị chiến lược “exit strategy”. Mục đích của chiến lược này là thích ứng khi kinh doanh lỗ hoặc đến thời điểm chúng ta cần dừng lại để tránh thiệt hại.
Nội dung được viết bởi: Thùy Nguyên, chuyên gia Quản trị học, Founder Bess Business School